Chim Sơn Ca

Chim Sơn Ca là giống chim hót rất được nhiều người ưa thích bởi giọng hót trầm bổng véo von và ngân xa của nó, người trong nghề gọi là hót có bài ban hay nhất trong các loài chim. Chỉ cần được tận tai nghe chim Sơn Ca hót một vài lần, và nhái là được tận mắt chứng kiến lối hót đặc thù của nó là càng tung mình lên cao thì giọng hót càng hay, càng vang xa kéo dài mươi mười lăm phút như không hề ngừng nghỉ…

Người đã nuôi Sơn Ca, đã ghiền giọng hót của Sơn Ca ít khi chọn nuôi các loài chim hót khác, dù đó là Họa Mi. Điều này cũng dễ hiểu, vì nếu lẫn trong mớ âm thanh hỗn độn, giọng của Sơn Ca bị át hết những cung bật réo rắt khiến người nghe sẽ không lĩnh hội được gì. Cảnh sắc càng thanh tịnh, yên ắng bao nhiêu thì giọng hót của Sơn Ca càng lảnh lót rõ nét bấy nhiêu.

Nhiều nghệ nhân mê Sơn Ca đến độ trong nhà nuôi một lúc cả chục con để nghe tiếng hót là chuyện thường thấy. Nhưng, có điều đáng ngạc nhiên là từ trước đến nay số người nuôi Sơn Ca chuyên nghiệp chảng được bao nhiêu. Ở Sài Gòn, mấy chục năm về trước, nổi danh chỉ có Phúc Râu ở Tân Định, Minh Bancho ở Quận 4, Hải Khoát ở Vườn Chuối. Tân Tân Hai Bà Trưng… Tất nhiên là còn nhiều, nhưng những nghệ nhân sau này chỉ nuôi vài ba con cho lấy có, và nuôi chung với nhiều giống chim khác.

Trước đây, người mình chọn nuôi chim Sơn Ca của Hồng Kông, giống này hót hay nhưng có cái trở ngại là giá quá cao, chỉ những tay triệu phú lắm bạc nhiều tiền mới chơi nổi. Nhưng Sơn Ca của nước ta cũng không phải là dở, nhất là giống ở Quảng Ninh, ở Huế, ở Bà Điểm Hóc Môn, thân hình không thua kém gì chim Hồng Kông mà giọng hót còn muốn vượt trội hơn.

Sơn Ca ở nước ta có khắp cả ba miền Nam Trung Bắc. Chúng sống rất nhiều dọc theo bờ biển, đồi núi, và nhất là đồng bằng, nói rõ ra là khắp đồng ruộng.

Được biết, thường thì những nghệ nhân nuôi chim Sơn Ca chuyên nghiệp là những người lớn tuổi, hay ít ra cũng có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi chim hót. Các bạn trẻ ít thích loại chim này, có thể do hình dáng của Sơn Ca không bắt mắt chăng, và giọng hót của nó không ồn ào, sôi nổi như Họa Mi, Chích Chòe chăng?

Thực ra, giọng hót cua Sơn Ca không hợp với sự náo nhiệt ồn ào của , với động cơ, mấy nổ, và ngàn vạn âm thanh chát chúa khác. Nó chỉ thích hợp với sự thanh vắng, êm ả như các vùng ven đô, vùng thôn quê mà thôi.

Ngày xưa, các cụ rất thích nuôi chim Sơn Ca, và đánh giá nó là loại chim vương giả. Ở Trung Hoa cũng như ở nước ta, chỉ hàng vua chúa, quan quyền, hay những kẻ giàu sang phú quý mới chọn nuôi loại chim này mà thôi. Những ai được sống trong cảnh nhàn nhã, vô lo, có thì giờ rỗi rảnh ngồi nhâm nhi bên tách trà ly rượu mà được thưởng thức giọng hót véo von, ngân nga trầm bổng, nhất là những con Sơn Ca có giọng kim pha thổ, tiếng trong như ngọc và vang xa thì không còn gì sinh thú bằng!

Các cụ ngày xưa còn cho Sơn Ca là loại linh điều do… mê tín dị đoan. Một số người tin rằng chim đang sung độ hót hay, nhưng thình lình biếng hót một thời gian là báo hiệu điềm xui rủi, cảnh nhà sắp bị suy sụp. Nhất là chim đang sởn sơ khỏe mạnh tự nhiên lại lăn đùng ra chổi lại là điềm gở, không làm ăn thất bại thì trong nhà cũng gặp lắm chuyện buồn phiền… Trái lại, chim người ta đang suy mà về tay mình lại dồi dào phong độ thì đó là điềm đại cát cho mình. Thực ra, điều này phản khoa học ta không nên tin. Nhưng, biết đâu đó cũng là cái cớ khiến nhiều người ngại ngần mà ít chọn nuôi giống chim hót này chăng?

Xuất xứ:

Chim Sơn Ca có rất nhiều ở nước ta, và là giống quý gần như miền nào, vùng nào cũng có. Chúng tập trung sống nhiều ở vùng ruộng đồng ven biển, ở vùng đồi núi, và nhiều nhất ở vùng ruộng rẫy. Chim sống ở miền biển có tên là Sơn Ca. Chim sống ở miền núi, miền đồng ruộng lại có tên là Thăng Ca. Đặc biệt ở Huế, và vài tỉnh miền Trung, nó có tên địa phương là Bời Lời… Thế nhưng, cái tên chung vẫn là Sơn Ca.

Tuy xuất xứ hiện nhiều nơi, nhưng không phải Sơn Ca ở vùng nào cũng hót hay cả. Kinh nghiệm cho thấy giống Sơn Ca sống ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) là hót hay nhất, kế đó là Sơn Ca ở Huế được nghệ nhân đánh giá là “đẹp trai” vì lớn con, bộ lông màu vàng nghệ tuyệt đẹp. Kế đó là giống Sơn Ca Đà Nẵng, rồi Phan Thiết… ở miền Nam nổi tiếng nhất là Sơn Ca vùng Hóc Môn, Bà Điểm tiếng hót rất hay.

Tại miền Nam, nghệ nhân nuôi chim ít có người nuôi Sơn Ca Bãi Chấy, vì hiếm do thương lái không đem vào. Họ chỉ chọn nuôi Sơn Ca ở Huế, Đà Nẵng, và Hóc Môn. Giống Sơn Ca Phan Thiết cũng được nhiều người ưa thích.

Giống Sơn Ca Huế và Đà Nẵng nuôi mau dạn, còn giống Hóc Môn Bà Điểm hơi nhát. Tóm lại, mỗi giống có một sắc thái riêng, và tùy ý thích của mỗi người mà chọn giống này hay giống khác…

Hình dáng:

Sơn Ca thuộc họ nhà Sẻ, nên vóc dáng gần giống như chim sẻ, có điều thân bé hơn và đuôi giống chim Chiền Chiện, nhưng thân thấp hơn. Nhìn chung thì bụng và ức lông vàng nhạt, đầu cổ cánh có nhiều sọc xám đen như dòng dọc hay gà nước. Với Sơn Ca Huế thì lông màu vàng hơn, trán có vân vảy cá. Sơn Ca Đà Nẵng trán có vân khía. Còn Sơn Ca Bà Điểm Hóc Môn thì lông từa tựa chim Se, trông lợt lạt hơn.

Nói chung thì chim Sơn Ca không đẹp, từ hình dáng đến sắc lông nhìn không bắt mắt một tí nào. Nó cũng như chim Họa Mi, nổi tiếng là có giọng hót cực hay, nhưng vóc dáng và màu lông không làm ai vừa ý. Chẳng lẽ câu “có tật có tài” ứng với hai giống chim nổi tiếng này chăng?

CHỌN CHIM TRỐNG MÁI:

Nuôi Sơn Ca người ta chọn chim trống, nhưng giống chim này trống mái có màu lông như nhau nên khó phân hiệt. Ngay người nuôi Sơn Ca lâu năm chọn lựa trống mái cũng có khi lầm. Với chim non thì khó phân biệt, nhưng với chim đã lớn, thì lựa những con nào đầu to, vai nở mới là con trống. Chim trống có thể nuôi chung năm bảy con chung một lồng vẫn không cắn mổ nhau. Khi chúng được bảy tám tháng tuổi trở lên, nghệ nhân mới chọn lựa bắt nuôi riêng để có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng riêng từng con một. Chẳng hạn con nào hót hay, mình đẹp thì chọn nuôi, con dở thì loại dần.

THUẦN DƯỠNG:

Thường người ta chọn Sơn Ca còn non về nuôi, tuy vất vả nhưng có những điều lợi: chim mau dạn, dễ thích hợp với thức ăn do mình pha chế. Thời gian vất vả với chim non chỉ vài ha tuần là cùng, vì hơn tháng tuổi chim đã biết tự tìm mổ thức ăn trong cóng, và cũng tự biết uống nước. Chim non nếu ủ trong ổ ấm áp lót bằng cỏ khô, rơm rạ hoặc giẻ rách, Ổ phải được thay bằng ngày vì chim non háu ăn nên bài tiết nhiều làm dơ ổ. Mỗi ngày, ta nên đút cho chim non ăn nhiều lần, trung bình mỗi giờ một lần bằng cào cào non, thỉnh thoảng cho ăn chút thịt bò tẩm ít bột kê để chim quen dần với thức ăn do người nuôi pha chế sau này. Không nên cho chim ăn quá no, có thể dẫn đến chết vì bội thực. Khi đói thì chim non há mỏ đòi ăn, và khi đã no nê thì chúng ngậm mổ lại.

Dù sao thì thuần dưỡng chim non vẫn là việc dễ, ai ai cũng có thể làm được, miễn là chịu khó và siêng năng mội chút. Còn thuần dưỡng Sơn Ca bổi (chim già, chim rừng) phải đòi hỏi kỹ thuật chăm chút tỉ mỉ hơn. Đại loại công việc cũng giống như cách thuần dưỡng các loại chim  rừng khác: như trùm áo lồng tập cho chim mau dạn với người, tập chim sống thích hợp với môi trường chật hẹp mới, lập cho chim quen dần với thức ăn pha chế… Sơn Ca bổi khi đà dạn thì mau hót lại hót hay, vì đó là giọng rừng sẵn có của nó. Tuy nhiên Sơn Ca hỏi thì xưa nay ít người nuôi, mà người đã nuôi thì phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề mới hy vọng đạt được kết quả tốt.

DẠY CHIM HÓT:

Chim non nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, độ bảy tám tháng tuổi đã bắt đầu biết hót, nhưng giọng chim con không hay. Tuổi đời càng lớn, chim càng đổi giọng hót hay dần, và phải từ hai năm trở lên tiếng hót mới thực sự hay. Dạy chim hót phải có “chim giáo sư”, tức là chim vừa nhiều tuổi vừa hót cực hay. Thầy dạy hót này hót lên thì các chim khác lắng nghe mà bắt chước. Có điều đặc biệt là với chim Sơn Ca. Giọng con hót bậc thầy không “đè” con học trò, như các loài chim khác. Hễ tìm được con thầy hay bao nhiêu thì lũ chim non sẽ hót hay dần lên bấy nhiêu. Từ tháng tuổi thứ tám trở đi, có thể cho chim con tập hót với con bậc thầy, và nhờ đó mà thời gian giọng chúng trội hẳn thay vì vài ba năm, được rút ngắn lại, khỏi phí thì giờ chờ đợi…

Cũng chính vì chúng không dùng tiếng hót để “bắt nạt” nhau, nên nuôi Chim Sơn Ca ta có thể treo lồng gần với nhau, mà vẫn có kết quả tốt.

THỨC ĂN:

Thức ăn của Sơn Ca trông thì giản dị, nhưng thực ra rất cầu kỳ. Thức ăn chính là hột kê chà vỏ tẩm lòng đỏ trứng gà. Một lon sữa bò hột kê cần ba hoặc bốn lòng đỏ trứng gà là đủ. Ngoài thức ăn chính đó ra, mỗi ngày ta nên cho chim ăn năm bảy con cào cào non, và một ít sâu tươi. Nếu nhiều ngày liền thiếu sâu và cào cào Sơn Ca sẽ bị suy, tiếng hót.

LỒNG CHIM:

Lồng chim Sơn Ca đặc biệt hơn so với các lồng chim khác. Đặc biệt ở chỗ là đây phải vừa bằng, vừa kín để lót một lớp cát mỏng chừng mười ly cho chim đứng. Chính giữa đáy lồng, là một cái cầu hình nấm, nhưng mặt trên phải phẳng để chim đứng lên đó mà hót hoặc rỉa lông rỉa cánh. Điểm đặc biệt nữa là lồng chim Sơn Ca phải có chiều cao từ 6 tấc trở lên… một thước, một thước hai càng tốt, còn chiều ngang có kính độ bốn tấc là vừa. Như chúng ta đều biết Sơn Ca ít khi đứng hót ở dưới đất (đáy lồng) mà thường đứng lên cầu đẻ “rúc” từng hơi dai có khi liên tục độ mươi, hai ha mươi phút mới ngưng nghỉ. Cái thói quen cố hữu của chim là khi hót thường tung mình hay cao, và ngay khi hạ mình xuống thấp giọng hót vẫn tiếp tục ngân vang, ở ngoài đồng nội, chim thường tung mình lên cao thước, và ta nghe giọng hót của nó ngân nga trên cao, vang xa cả cây số ngàn chứ không phải ít. Vì vậy, lồng càng cao càng thích hợp với chim Sơn Ca, và nhờ vào đó mà vừa được coi chim biểu diễn những cú tung hay ngoạn mục khi cất tiếng hót.

CHĂM SÓC VÀ VỆ SINH LỒNG:

Chim vốn nhỏ con nên ăn uống ít, ta nên chăm lo thức ăn nước uống cho đầy đủ. Các cóng đựng thức ăn nước uống treo cao hơn nên lồng để tránh cát ở đáy lồng vương vãi vào mất vệ sinh, về cát ở đáy lồng, nếu có thể được ta nên dùng cát biển vừa trắng vừa mịn. Nhưng dù dùng loại cát gì ta cũng nên gút sạch rồi phơi khô. Nếu cần thì bắc chảo rang cát lên để sát trùng. Độ bốn năm ngày, ta nên thay cát một lần. Khi thay nên sang lồng để tiện vệ sinh lồng cũ. Xin lưu ý là chim Son Ca hoang dã không có thói quen tắm nước như nhiều loại chim khác, vì vậy khi nuôi lồng, nó cũng không tắm, mà thỉnh thoảng vùi lông vào cát như gà.

Thỉnh thoảng, ta nên cắt bớt các móng chim, nhất là móng sau đẻ chim đi đứng dễ hơn.

Tóm lại, chim Sơn Ca thời nào cũng được nghệ nhân nuôi chim đánh giá là giống chim quý, do giọng tuyệt hay của nó. Chính vì quý nên giá chim thường rất cao so với các giống chim khác. Theo thời giá bây giờ, mội con Họa Mi hót hay nhất giá chừng triệu bạc, thì con Sơn Ca “tài sắc” vẹn toàn cũng ngót ha bốn triệu, chứ không rẻ hơn! Những con chim này thường phải ba bốn tuổi đời trở lên, vì chim càng già giọng càng hấp dẫn. Nhưng, với chim Sơn Ca ba bốn năm tuổi cũng chưa thế gọi là già, vì tuổi thọ của chúng có thể từ 15 đến 20 năm!

Đã lâu lắm chúng ta không được tham dự cuộc thi hót chim Sơn Ca, có lẽ do số lượng chim nuôi quá ít, vì nghệ nhân nuôi giống chim này càng ngày không thấy phát triển được bao nhiêu. Hy vọng rằng, trong tương lai, giống chim hót nổi tiếng này sẽ được giới hâm mộ và giới chơi chim thi hót chiếu cố nuôi nhiều…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *