Chim Chóp Mào

Chóp Mào còn gọi là Hoành Hoạch Mòng, hay con Mòng có mặt tại nhiều nước ở châu Á.

Tại nước ta, Chóp Mào có nhiều nhất tại miền Đông, nhất là vùng Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Đốp, sống thành từng bầy đàn như chim sẻ ở vậy. Ở các tỉnh miền Tây cũng có những số lượng không nhiều.

Tuy là giống chim rừng, nhưng có thể gọi là chim “vườn” vì chúng thích sống gần người, nơi có vườn tược rậm rạp, cây trái chín quanh năm. Vì rằng, chim Chóp Mào thích ăn sâu bọ và trái cây chín, nhất là chuối. Nó cũng ăn ớt chín, vì vậy ở thôn quê, nơi nào có vườn ớt chín, Chóp Mào cũng tụ lại ăn sạch…

Do chim có hình dáng đẹp lại siêng hót (hay kêu?) nên rất được nhiều người bắt về nuôi. Nếu nuôi lâu năm, chim líu rất hay. Tiếng líu của nó là do tiếng kêu liên thanh gộp nhanh lại trầm bổng réo rắt nên nghe cũng vui tai. Những con chim biết líu là chim quý, ít người chịu bán, dù với giá cao.

Chóp Mào có hình dáng như con Chích Chòe Lửa, thế đứng của nó hơi thẳng người hơn. Phần đuôi Chóp Mào ngắn hơn Chích Chòe Lửa, trên đầu có chòm lông như cái chóp cao chừng hai phân, màu đen. Đầu chim phủ lông đen, dưới khóe mắt có chấm đỏ tươi bằng hột tiêu, phần cổ, ức và bụng màu trắng, chóp đuôi cũng phớt chút lông trắng, trên lưng màu xám đen. Phần bụng dưới gần hậu môn, có một nhúm lông màu đỏ, nên mới có câu “Chóp Mào đỏ đít”. Với màu lông đó, trông chim Chóp Mào có một vẻ đẹp đặc trưng không giông với một giống chim nào khác.

Được biết, vùng Cao nguyên cũng có loại Chóp Mào rừng có hình dáng giống như Chóp Mào ở vườn, có điều thân hình nhỏ hơn, lông màu xanh lá cây, phần trên mình màu vàng lục, mắt viền khoen trắng như chim vành khuyên, trông xấu hơn, và ít người chọn nuôi.

Sống ngoài thiên nhiên, chim cũng siêng kêu, khi nuôi trong lồng đã dạn người, miệng chim cũng lanh chanh hót cả ngày, và khi đã biết líu thì giọng lại càng réo rắt hơn nữa. Hình như ở rừng chim không biết líu thì phải (?), vì chưa ai nghe được Chóp Mào líu ở ngoài vườn bao giờ.

Ở miệt vườn, giống chim này trẻ con và người lớn đều thích nuôi do đánh bẫy được dễ dàng lại dễ thuần hóa, mau dạn người, thức ăn lại giản dị. Có người chỉ cho ăn chuối chín chim vẫn sống mạnh, có người cho ăn gạo hoặc cơm trộn ít ớt. Ở thành thị giá chim cũng không cao, người ta cho ăn chuối chín và bột đậu phộng trộn trứng. Cứ cột một trái chuối đế nguyên vỏ vào lòng, chim cứ mổ ăn dần từ ngày này qua ngày khác cho đến khi còn cái vỏ héo khô…

Nếu nuôi lâu năm, ta có thế nuôi thả như Chích Chòe, Khướu, Thanh Tước, chim sông lẩn quẩn gần nhà, gần lồng, tối biết về lồng ngủ. Tuy giá trị không lớn, nhưng nhờ có nhiều đặc tính tốt nên có nhiều người đã từng nuôi con chim cảnh này đến tuổi thọ hơn mười năm, và càng nuôi lâu càng yêu quý nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *